Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Tưởng nhớ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp.



 Chúng ta đang vui mừng tạ ơn Chúa nhân dịp lễ Giỗ lần thứ 68(12-03-1946 - 12-03-2014) của cha Phanxicô trong ngôi thánh đường họ đạo Cồn Phước này. Lòng kính yêu cha Phanxicô không còn giới hạn trong hình chữ S của nước Việt nhưng đã vượt ra khắp hải đảo, Châu Lục xa xăm. Ở đâu có người Việt Nam hiện diện, ở đó có tâm tình yêu mến ngài. Việc tổ chức mừng lễ Giỗ cha nay đã lan ra khắp nơi, Mỹ Châu, Âu Châu, Úc Châu. Hòa với hàng triệu con tim trên khắp thế giới, với hàng chục ngàn người đang ở Tắc Sậy, Cà Mau trong dịp lễ Giỗ năm nay, với rất đông đảo tu sĩ linh mục, có cả sự hiện diện của các Đức Cha: StéphanôTri Bửu Thiên, Phaolô Bùi Văn Đọc, Tôma Vũ Đình Hiệu, Giuse Vũ Văn Thiên, và Giuse Trần Xuân Tiếu của giáo phận Long Xuyên này, tất cả chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta một con người tràn đầy yêu thương, một linh mục tận tâm với Thiên Chúa, tận tình với con người và tận tụy với cuộc đời, như câu nói bất hủ của cha: "tôi sống cho đàn chiên và có chết cũng chết cho đàn chiên".
Giáo dân Long Xuyên, cái nôi của hai thánh tử đạo Lê Văn Phụng và Đoàn Công Quý càng vui mừng và trào dâng tâm tình tạ ơn hơn ai hết, đặc biệt là bà con ở họ đạo Cồn Phước này, vì đã có đươc một linh mục hoặc cũng có thể là ông là bác là chú hoặc một người bà con hàng xóm ... đó là cha kính yêu Phanxico. Vì chính tại nơi đây, họ đạo Cồn Phước, xã Mỹ Luông, tỉnh An Giang, ngày 1/1/1897 cha đã cất tiếng khóc chào đời, đã được rửa tội, lớn lên trên mảnh đất thân thương này. Sau thời gian tha hương và làm linh mục ở Campuchia, ngài trở về làm giáo sư chủng viện ở Cù Lao Giêng thêm ba năm nữa trước khi chuyển đến Tắc Sậy và tử nạn ở đó vào ngày này năm xưa, 1946.
"Tôi sống cho đàn chiên và có chết cũng chết cho đàn chiên", thế nên Cha Phanxico luôn nài xin Chúa nhân lành cứu giúp con cái khắp nơi, bất kể lương hay giáo, giàu sang hay nghèo khó, quyền thế hay thứ dân, ngay lành hay tội lỗi. Phải chăng sự rộng tay của ngài như thế là bởi tính cách hào phóng rất đặc trưng của người dân Nam Bộ này?
Rất nhiều người có mặt hôm nay để muốn nói lên lời trái tim cho chính mình hay cho người thân để cám ơn ngài, vì đã hết một căn bệnh hay qua một sự khó khăn; được một ơn lành, hay một điều toại nguyện hồn xác; rất nhiều người ở đây để tỏ bày lòng thành kính ngưỡng mộ trước một nhân cách cao cả, dám minh chứng cho lời thánh kinh "không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người dám hiến mình vì bạn hữu"; lại cũng rất nhiều người đang băn khoăn tìm một lối đi cho chính mình, cho gia đình mình giữa những phức tạp của cuộc đời, những bế tắc trước tương lai, đến nơi đây để mong được cha cầu bầu cùng Chúa, mong một ơn lành, tìm một đỡ nâng, một sự soi sáng hay một sự an ủi. Phải, vì cha Phanxico đã sống trọn luật truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” nên cha được nghĩa với Chúa. Cha yêu thương mọi người khi còn trên dương thế và lại càng yêu thương khi đã vào cõi vĩnh hằng, bởi chính lúc hiến thân là khi vui sống muôn đời. Cha yêu những người khốn khổ còn ở lại.
68 năm đã trôi qua, kể từ ngày 12-3 định mệnh đó, nhưng người ta không khỏi bùi ngùi, thương tiếc một linh mục dám sống và chết cho yêu thương. Khi chiến tranh khốc liệt xảy đến, loạn lạc tang thương khắp nơi, cha Phanxico đã có thể trốn đi lánh nạn, nhưng đã thương yêu ở lại với nhóm người bé nhỏ, quê mùa Tắc Sậy để rồi bị giết chết một cách đau lòng: một vết chém từ phía sau gáy.
Với tình thương, vì tình thương và cho tình thương mà cha đã thanh thản về bên Chúa dù có phải quằn quại dưới lưỡi đao oan nghiệt.
66 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh thân thương của một linh mục tận tâm, tận tình, tận tụy vẫn còn đọng lại nơi nhiều người. không chỉ những người đương thời với cha mà đánh động cả với những người chỉ được nghe nói lại. Một linh mục dễ thương, gần gũi với mọi người khi cùng bà con khai khẩn ruộng lúa, chia sẻ với bà con những điều thiết thực, như lời chứng của bà Huỳnh Thị Tú, dù bà không nhớ nhiều chi tiết về cuộc đời cha. bà đã khóc khi nhớ đến tình thương của cha, nói rằng "cha lo cho mọi chuyện từ cái áo trắng mặc khi rửa tội, lúc rước lễ thường, khăn tang hay hòm chôn người qua đời. Cha còn dạy giữ lửa bằng cách lấy trái ổi non, phơi khô, đốt lên rồi bỏ bỏ trong lon đậy kín lại, một tuần sau vẫn còn than đỏ".
66 năm đã trôi qua nhưng mỗi năm lại nhiều hơn những người đến với cha, mỗi năm lại nhiều hơn danh sách những người được cha giúp đỡ cách này cách khác. Tôi tin rằng, không thể nào kể hết những người được cha xin Chúa ban ơn phần xác hay về vật chất, và lại càng không thể nào liệt kê được những người đã được ơn phần hồn, phần tinh thần khi chạy đến với cha. Bởi đó, giờ đây lòng yêu mến và ngưỡng mộ cha đã lan truyền khắp nơi, và cũng nhờ đó, nhiều người biết và yêu mến đạo thánh Chúa hơn. Qua cha, người lương biết tới Chúa và yêu mến đạo thánh Chúa hơn; qua cha người có đạo sống quảng đại hơn, yêu thương hơn.
Bởi là linh mục của Chúa, ngài là người của yêu thương, hết sức dễ thương và rất gần gũi với mọi người. Vì vậy ai cũng dễ tìm đến ngài, nhất là những người nghèo khổ, yếu đau. Họ thấy nơi cha một điều gì đó giống cuộc đời của họ. Họ thấy nơi cha một điều gì đó mà ngày nay đang hiếm, đang khát khao. Tuyệt vời hơn, nhờ gương sáng và ơn lành của cha, nhiều người đã và đang trở thành những chứng nhân sống động của lòng thương xót Chúa.
-       Người nghèo khó tìm đến cha bởi cha đã từng sống như họ, dễ thông cảm với những nhọc nhằn của cuộc sống, biết thế nào là giá trị của mồ hôi trên nương đồng; của những lo lắng đời thường khi cha mẹ bệnh, con cái cần chi phí học hành, nhà hết gạo. Khi giá lương thực tăng mà công ăn việc làm bấp bênh với mức lương ít ỏi.
-       Người giàu có đến với cha để tìm một hướng đi trong xã hội kim tiền. Nơi “cá lớn nuốt cá bé” và hầu như không có dấu hiệu hiện diện của sự cảm thông, thương xót. Thương trường cũng mưu hại nhau như chiến trường, cũng nhiều mưu mô, xảo quyệt để tồn tại. Họ cần lòng bao dung tha thứ. Họ cần tìm cho mình một cõi bình yên.
-       Nói như Đức Cha Gioan Baotixita, hầu như mọi người đến với cha vì cảm thấy: “Mình được Cha yêu thương. Mình được Cha chia sẻ. Mình được Cha giải cứu. Mình thấy mình được liên hệ với thế giới thần thiêng. Mình thấy mình cần sống tốt hơn. Mình thấy mình cần năng cầu nguyện nhiều hơn. Cầu nguyện một cách hồn nhiên và chân thành. Mình thấy Hội Thánh của Cha Diệp trở nên gần gủi với mình. Mình thấy Chúa của Cha Diệp trở nên người Cha xót thương hơn mình tưởng. Riêng những người túng nghèo, khổ đau lại tìm được nơi Chúa của Cha Diệp một nguồn an ủi và hy vọng đặc biệt, mà họ không tìm được ở đâu khác”.
"Tôi sống cho đàn chiên và có chết cũng chết cho đàn chiên", Cha chết đi để lại cho chúng ta một niềm thương tiếc vô bờ và một sự kính trọng thật to lớn. Cha dạy cho chúng ta ý nghĩa của cuộc đời. Nó đáng yêu nhưng rất mong manh này. Hãy thiết tha với cuộc đời, nhưng nếu cần cũng sẽ hy sinh. Bởi ai tìm mạng sống này thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Những người thuộc thế hệ của cha đã và đang qua đi, mỗi người chúng ta rồi cũng sẽ qua đi, sẽ mang gì về đời sau?
Mừng lễ giỗ cha Phanxico hôm nay, chúng ta hãy hiệp lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một linh mục thánh thiện, một mục tử nhân lành, một nhân cách sáng ngời nhưng rất gần gũi, thân thương của một tâm hồn giàu lòng trắc ẩn. Xin cho mỗi người chúng ta, biết noi gương cha, biết sống quảng đại, vị tha, bao dung với mọi người. Xin cho mỗi người chúng ta biết tận tâm với Chúa, tận tình với nhau, và tận tụy với cuộc đời này. Cũng xin cha Phanxico, ở nơi vinh phúc, tiếp tục chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen
Phêrô Nguyễn Đức Thắng.
CHƯƠNG TRÌNH LỄ GIỖ
CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP NĂM 2014
�V�

1/ CHÚA NHẬT, 09 - 03 – 2014:

05g00: Thánh Lễ
07g00: Thánh Lễ
09g00: Thánh Lễ
17g00: Thánh Lễ
20g00: Thánh Lễ

2/ THỨ HAI, 10 – 03 – 2014:

05g00: Thánh Lễ
09g00: Thánh Lễ
17g00: Thánh Lễ
20g00: Thánh Lễ

3/ THỨ BA, 11 – 03 – 2014:

05g00: Thánh Lễ chủ đề : Gia Đình
09g00: Thánh Lễ  chủ đề : Gia Đình
11g00: Thánh Lễ chủ đề : Gia Đình
13g00: Thánh Lễ chủ đề : Gia Đình
15g00: Thánh Lễ chủ đề : Gia Đình
17g00: Thánh Lễ Khai Mạc
19g30: Thánh Lễ II
21g30: Cầu nguyện chứng nhân và tạ ơn
23g00: Cầu nguyện Lòng Thương Xót
01g30: Cầu nguyện kính Đức Mẹ

4/ THỨ TƯ, 12 – 03 – 2014:

05g00: Thánh Lễ III
08g00: Thánh Lễ bế mạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét