Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Lễ Truyền Tin.

MỪNG VUI LÊN
Is 7, 10-14; 8,10; Dt 10, 4-9; Lc 1, 26-38
Hôm nay thiên sứ Gabriel cất tiếng mời gọi Đức Mẹ “Mừng Vui Lên”. Quả thực đây là một tin vui lớn lao. Làm xôn xao cả vũ trụ như cảm nhận của thi sĩ Hàn mặc Tử
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel.
Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ.
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú.
Người có nghe náo động cả muôn trời.
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?
Vì thế tâm tình của ta trong ngày lễ Truyền Tin phải là “Mừng Vui Lên”.
Mừng vui lên! Vì Thiên Chúa đến ở với ta. Thiên Chúa đã làm biết bao kỳ công. Nhưng kỳ công lớn lao nhất Thiên Chúa có thể làm đó là đến ở với nhân loại. Thiên Chúa uy linh quyền năng phép tắc muốn làm gì cũng đều có thể. Nhưng việc Thiên Chúa hạ mình xuống thể ở với loài người là điều vượt mọi trí tưởng tượng của loài người. Vì thế tên Emmanuel Thiên-Chúa-ở-với-loài-người là một điềm lạ vĩ đại chưa hề có và chưa hề có ai dám nghĩ tới. Đó là dấu lạ vượt trên mọi dấu lạ. Vì thế đó là niềm vui vượt trên mọi niềm vui.
Mừng vui lên! Vì Thiên Chúa chia sẻ phận người với ta. Không chỉ ở với loài người, Thiên Chúa trở nên một con người thực sự. Thật là một sáng kiến táo bạo và đầy mạo hiểm. Vì Thiên Chúa hoàn toàn sống như một con người. Sinh ra như một trẻ thơ yếu ớt. Nếm chịu đủ mùi nóng, lạnh, buồn, vui, sướng, khổ, đói, khát với con người. Cũng yêu thương và tức giận, buồn khổ và mừng vui, lo âu và sợ hãi như con người. Cũng phải trốn chạy. Cũng lao động vất vả. Nhất là Người hoàn toàn cảm thông với ta trong những bất hạnh, khổ đau ở đời. Vì Người cũng đã bị chống đối, bị phản bội, bị nhạo báng chê cười, bị xét xử bất công, bị hành hình thảm khốc, bị chết tức tưởi rũ rượi.
Mừng vui lên! Vì Thiên Chúa nâng ta lên cao. Người vẫn là Thiên Chúa nhưng cũng là người thật. Hai bản tính kết hợp trong một ngôi vị để nâng ta lên. Thật là một tình yêu khôn dò khôn thấu. Trời cao cúi xuống để nâng đất thấp lên. Là Thiên Chúa, Người hạ xuống làm con loài người để ta được nâng lên làm con Thiên Chúa. Là giầu sang, Người tự trở nên nghèo hèn để ta được nhờ cái nghèo của Người mà trở nên giầu sang. Là vô biên, Người tự trở nên hữu hạn để ta được triển nở đến vô cùng. Là vô thủy vô chung, Người tự nguyện đi vào thời gian, để cho ta được vượt thời gian đi vào vĩnh cửu. Là thánh thiện, Người gánh lấy tội lỗi để ta được rửa sạch. Là tự do, Người tự nguyện trở nên nô lệ để giải thoát chúng ta. Là bất tử, Người tự nguyện chịu chết để cho ta được sống mãi. Quả thực là một tình yêu lớn lao. Yêu đến chết vì yêu. Tình yêu đó khiến ta không thể hiểu được như lời Tv 8:
Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
          Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Tình yêu đó khiến ta muôn vàn sung sướng và hạnh phúc. Sao một hạt bụi tầm thường thế này lại được Thiên Chúa cao sang trên chín tầng trời yêu thương dường ấy?
Mừng vui lên! Vì hôm nay ân sủng tràn ngập địa cầu. Hôm nay thiên sứ chào chúc Đức Mẹ: “Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng”. Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ơn lành. Ân sủng tràn ngập tâm hồn Đức Mẹ.  Nhưng ân sủng cũng tràn ngập địa cầu. Như lời thánh Phaolô dậy: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Người đến để sinh ra một nhân loại mới. Và chúng ta được chúc phúc trong Người.
Đức Mẹ là đại diện xứng đáng nhất của nhân loại để đón tiếp Thiên Chúa ngự lâm. Vậy trong ngày đón nhận tin vui trọng đại này, ta phải có tâm tình như Đức Mẹ.
Như Đức Mẹ đón tiếp Chúa bằng tấm lòng trinh bạch trắng trong, ta hãy tẩy rửa linh hồn khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Dứt bỏ mọi ước muốn bất chính. Gột rửa linh hồn bằng dòng nước mắt sám hối ăn năn. Để xứng đáng đón tiếp Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh.
Như Đức Mẹ đón tiếp Chúa bằng thái độ khiêm cung, ta hãy hạ mình thẳm sâu. Cung kính thờ lạy Chúa chí tôn cao cả. Hiến dâng thân mình toàn tâm toàn ý phụng sự Người qua việc phục vụ anh em. Vì Người từ bỏ thân phận Thiên Chúa để hạ mình xuống làm người như ta.
Như Đức Mẹ đón tiếp Chúa bằng lời thưa “Xin Vâng”, ta hãy sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong đời. Đó cũng chính là nên giống Chúa Giêsu khi xuống trần gian, đã nói lời “Xin Vâng” với Chúa Cha, cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thánh giá.
Trong tâm tình cảm tạ, mến yêu, và để đền đáp tình yêu thương Chúa Giêsu dành cho ta trong cuộc giáng lâm nhập thể, ta hãy cùng Người cất tiếng dâng lên Chúa Cha: “Lạy Chúa này con xin đến để thực thi ý Chúa”. Amen.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt-W.GPBNVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét