Bài giảng Thánh lễ Tạ Ơn
KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP
Đại Chủng viện Thánh Phêrô Đoàn Công Quý
Giáo phận Cần Thơ
Gm. Antôn Vũ Huy Chương
"Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại
cho họ biết mọi điều Chúa đã làm … (Mc 5, 19)
cho họ biết mọi điều Chúa đã làm … (Mc 5, 19)
Khi được mời dự lễ mừng kỷ niệm 25 năm thành lập ĐCV Thánh Quý, tôi nghĩ ngay là mình phải “về nhà với thân nhân” để hiệp thông tạ ơn Thiên Chúa về “mọi điều Chúa đã làm” tại đại chủng viện Thánh Quý, được thành lập từ năm 1988 đến nay cho 3 giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long, nằm trên địa bàn 11 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Chắc chắn không thể thuật lại ở đây hết mọi việc Thiên Chúa đã làm, nhưng xin được nhắc nhớ 2 sự kiện quan trọng đã định hướng cho công cuộc đào tạo linh mục tại đại chủng viện và sau khi đã ra trường.
1. Định hướng việc đào tạo theo Tông huấn PDV
Công cuộc đào tạo linh mục hiện nay đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam định hướng qua cuốn“Đào tạo Linh mục, Định hướng và Chỉ dẫn” ban hành năm 2012. Cuốn “Ratio” này chủ yếu dựa trên Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay: Pastores Dabo Vobis (Những mục tử như lòng Chúa mong ước).
Đức Hồng Y Gioan Baotixita, khi là giám đốc tiên khởi của đại chủng viện Thánh Quý, đã cho các Cha giáo phiên dịch và trao đổi với nhau về định hướng đào tạo linh mục theo cuốn “Integral formation of Catholic priests” (Đào tạo toàn vẹn linh mục công giáo) của Cha Marcial Maciel, một cuốn sách đã có 12 lần xuất bản từ năm 1990 đến năm 2005 bằng 4 thứ tiếng, khi đó đã được bán tại 98 tiệm sách trên khắp thế giới. Có thể nói đây là “tiền thân” của Tông huấn Pastores Dabo Vobis.
Ngay sau khi Tông huấn Pastores Dabo Vobis được ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1992, Cha Gioan Baotixita, Giám đốc ĐCV lúc đó, đã cùng với các Cha giáo dịch sang tiếng Việt và cho các chủng sinh học tập như chỉ nam của việc đào tạo linh mục tại ĐCV Thánh Quý. Hiện nay thì mọi người đã quen với việc đào tạo toàn vẹn về “4 chiều kích”: nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ; với việc “tự đào tạo”: không có nghĩa là tự hướng dẫn mình, nhưng cá nhân mỗi ứng sinh đóng vai trò “chủ lực”, để cho Chúa Thánh Thần là “nguồn lực” hướng dẫn, với sự “trợ lực” của mọi thành phần Dân Chúa nói chung, cách riêng của những người “đồng hành”, đặc biệt là các Cha giáo và bạn bè trong chủng viện.
Khi đại chủng viện Thánh Quý mở khoá đầu tiên, phòng tôi ở trước bảng dán thông cáo. Một hôm từ trong phòng, tôi nghe tiếng một thầy vừa xem danh sách các Cha giáo vừa nói rằng: “Toàn là các Cha giáo đủ tiêu chuẩn Công đồng”, ngụ ý mỉa mai rằng hầu hết các Cha giáo không có học vị chuyên môn ! Nhưng vài năm sau, khi kiểm điểm kết quả đào tạo, các thầy đã nhận định rằng: “đào tạo ở đây có định hướng rõ ràng”.
Trong một hội nghị các đại chủng viện, sau khi một Cha giáo ĐCV Cái Răng chia sẻ về lợi ích của việc các chủng sinh tĩnh tâm theo phương pháp “linh thao”, một Cha giáo ĐCV khác thắc mắc: “Vậy là muốn cho các chủng sinh thành linh mục Dòng Tên hay sao ?!”. Khi đó, tôi đã chia sẻ, đại ý nói rằng: Theo Tông huấn PDV, trong việc đào tạo các linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Mục tử, thì Chúa Thánh Thần đóng vai trò số một (nguồn lực), các chủng sinh đóng vai trò thứ hai (chủ lực), các Cha giáo đóng vai trò thứ ba (trợ lực qua việc tháp tùng). “Linh thao” là một phương pháp tĩnh tâm phù hợp với định hướng đó: Cha hướng dẫn tĩnh tâm là người đồng hành, chỉ gợi ý vắn tắt cho người tĩnh tâm cầu nguyện lâu giờ theo chủ đề về cuộc đời Chúa Giêsu; chính Chúa Thánh Thần làm việc nơi người tĩnh tâm.
2. Định hướng việc đào tạo với Năm Tu đức
Hiện nay tại Việt Nam có 8 ĐCV chính thức, trong đó hiện có 6 đại chủng viện đã mở Năm Tu đức, nhưng đi tiên phong là ĐCV Thánh Quý từ niên khóa 1999-2000. Năm Tu đức là năm định hướng ơn gọi cho ứng sinh, năm nhìn trước và bắt đầu bước vào hành trình đào tạo linh mục. Năm Tu đức được ví như “Năm Nhà Tập” của việc đào tạo các tu sĩ.
Về 4 chiều kích đào tạo, đào tạo nhân bản là nền móng, đào tạo tu đức là quan trọng, đào tạo trí thức là cần thiết, đào tạo mục vụ là mục tiêu quy chiếu các chiều kích đào tạo, bởi lẽ sứ vụ cốt yếu của linh mục giáo phận là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng, là Phúc-Âm-hóa. Trong công cuộc tân Phúc-Âm-hóa, Giáo hội nhấn mạnh đến việc đổi mới đời sống Kitô hữu. Nói về việc đào tạo linh mục, Giáo hội quan tâm đến tầm quan trọng của việc đào tạo tu đức. Xin kể câu chuyện về Cha Thánh Gioan Vianney là người “học dốt” nhưng rất đạo đức. Một Cha giáo đại chủng viện được đức giám mục sai đến kiểm tra trình độ giáo lý của Gioan Vianney, đã thất vọng nói rằng: “Anh dốt như lừa thì làm linh mục thế nào được !”. Gioan Vianney trả lời: “Samson chỉ cần một cái hàm lừa đã đánh thắng quân Phi-li-tinh thì chẳng lẽ cả một con lừa không giúp ích gì cho Giáo hội ?!”. Nếu chúng ta tìm trong sách Phúc Âm để xem có chỗ nào Chúa Giêsu nói rằng Chúa cần một cái gì đó, thì chỉ có thể gặp một chỗ duy nhất là Chúa “cần một con lừa” để vào thành Giêrusalem (x. Mt 21, 3) !
Năm Tu đức cho thấy điều quan trọng trong đời sống Kitô hữu nói chung, đời sống Kitô hữu linh mục nói riêng, là Phúc-Âm-hóa chính bản thân mình. Đó là một hành trình kéo dài suốt đời người, gọi là đào tạo trường kỳ.
Nói về việc đào tạo trường kỳ, tôi nhớ đến lễ bế giảng “Khóa bổ túc” cho các chủng sinh lớn tuổi tạimột đại chủng viện, trong đó có các thầy thuộc giáo phận Hưng Hóa. Trong bài giảng Thánh Lễ, tôi có nhắc đến ý nghĩa rất hay của từ “bổ túc” : các chủng sinh của Khóa này kéo dài 2 năm để được bổ túc phần nào những gì còn thiếu sót trong thời gian học ngoài đại chủng viện; vả lại sau khi đã mãn khóa đại chủng viện, còn phải tiếp tục bổ túc cho đến chết ! Sau lễ, các thầy Hưng Hóa cho biết các chủng sinh khóa này đã tranh luận với nhau về tên gọi “bổ túc”, cuối cùng phải đặt tên là “Khóa Thần họcNgắn hạn” cho cuốn kỷ yếu, lý do vì phần lớn cho rằng mình đã học đủ rồi, dự khóa này không phải để bổ túc, mà chỉ để hợp thức hóa thôi !
Trở lại vấn đề đào tạo linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Mục tử, tôi nhớ đến ĐTCPhanxicô, với tư cách giám mục Roma, ngày 16/9/2013 đã gặp gỡ các linh mục của giáo phận Romatại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô. Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ về căn tính của linh mục là phải gắn bó với Chúa qua hai từ: “ơn huệ” và “lòng trung thành”. Điều quan trọng là phải trở nên một nhà thừa sai nhiệt thành, chứ không phải là một công chức đơn thuần.
Thay lời kết
Đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy được kết quả của công cuộc đào tạo là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Đó là “ơn gọi” của Thiên Chúa dành cho những con người hèn yếu, và sự đáp lại của con người cũng rất hạn chế. Bởi thế, sự yếu đuối của con người, kinh nghiệm của con người về sự mỏng dòn ẩn chứa một cơ hội độc đáo, cơ hội để cảm nghiệm được sức mạnh của Ðức Ki-tô đã chết và phục sinh, và cơ hội để khẳng định với Phao-lô rằng: "Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh" (1 Cr 13, 10). Hơn nữa, Tông huấn “Pastores dabo vobis” đặt toàn bộ công cuộc đào tạo linh mục trên lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3, 15). Dù vậy, Giáo hội địa phương, với mọi thành phần Dân Chúa, lãnh trách nhiệm đào tạo linh mục, trong đó “các đại chủng viện là cần thiết” (Vat. II, OT 4). Với viễn tượng đó, việc đào tạo linh mục không chỉ giới hạn trong thời gian tại đại chủng viện mà trải dài suốt cả ba giai đoạn: trước, trong, và sau đại chủng viện. Ngoài ra, vì việc đào tạo này diễn ra trong lịch sử, nên cần quan tâm đến những ảnh hưởng của bối cảnh văn hoá, xã hội hôm nay. Tuy nhiên, mọi người cần ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn là nhà đào tạo chính. Ngài vẫn đang tác động và tạo điều kiện bên ngoài để biến đổi tận bên trong tâm hồn của các ứng sinh và linh mục, giúp họ trở nên “con người của mầu nhiệm Chúa Giêsu” và “luôn hiệp thông với Giáo hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu”, để từ đó họ có thể chu toàn sứ vụ truyền giáo, loan báo cho mọi người: Chúa Giêsu là Tin Mừng yêu thương cứu độ của Thiên Chúa, “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Xin Cha Thánh Phêrô Đoàn Công Quý cầu cho chúng con được như vậy !
W.GPCTVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét