Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

CHÚA CÓ MỘT GIA ĐÌNH.

Cùng quý độc giả thân mến,
Chúng ta lại bước vào mùa Vọng và lòng mỗi người chúng ta lại rộn ràng một niềm vui kỳ diệu của lễ Giáng Sinh sắp đến. Có thể có nhiều người dùng dịp Giáng Sinh để tổ chức một cuộc vui, một bữa ăn và thích thú về những món quà… Tuy nhiên, có một thứ niềm vui khác mà những người có khuynh hướng hưởng thụ kiểu “phàm phu” như thế khó có thể cảm nhận được; trong khi mà phần lớn người Kitô hữu Việt Nam vẫn cảm nhận được. Đó là thứ niềm vui lung linh, thơ mộng thế nào đó. Nhạc Giáng Sinh, ánh đèn Giáng Sinh, bầu khí se lạnh của Giáng Sinh, cánh thiệp Giáng Sinh, hang đá Giáng Sinh…và trọng tâm của tất cả bầu không khí lung linh đặc biệt ấy chính là hang đá Bê-lem, nơi đó hiện diện một gia đình; tất cả những thứ ấy như phả vào không gian một “mùi vị” đặc biệt, vừa rất thân thương, vừa linh thiêng. Bầu không khí Noel quả thật là độc nhất vô nhị trên thế gian mà khó có thể ở đâu khác người ta tìm thấy được.
“Lung linh lung linh hai chữ gia đình”, có một bài hát đã nói như thế. Quả thật ngay trong cuộc sống trần tục, tình nghĩa gia đình đã bao hàm một sự “linh thiêng” nào đó : người cha với một trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức cao quý; người mẹ với những công việc nội trợ vụn vặt nhưng lại làm nên một mái ấm ngọt ngào ấm áp nhất trong cõi lòng mỗi con người; và đứa con, một huyền nhiệm mới được khởi đầu, bé bỏng yếu đuối quá nhưng lại khơi dậy biết bao ước mơ tương lai … Gia đình, vốn là điều quen thuộc nhất, phổ biến nhất, thì đặc biệt trong tâm hồn dân Việt, gia đình đã hàm chứa một tính chất “linh thiêng” sâu xa, tạo nên một thứ tín ngưỡng “thờ ông bà”. Nét “lung linh” vốn đã hàm chứa trong đời sống gia đình rồi.
Với lễ Giáng Sinh, tất cả những gì vừa thân thương, vừa linh thiêng nhất của đời sống gia đình như được nhân bội lên. Chúa cũng có một gia đình. Đây là một gia đình “mới” vì có Chúa hiện diện cụ thể; và sự hiện diện của Chúa làm nên một gia đình thánh. Chúa hiện diện mộc mạc trong chiếc nôi gia đình; quá đơn giản, quá đời thường; nhưng sự hiện diện của Chúa lại làm cho cái đơn giản mộc mạc ấy tràn ngập không khí thánh thiêng. Và sâu xa hơn hết, chính mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa cao cả hoá thân trong một hài nhi bé bỏng, chính là một thực tại lung linh hơn hết mọi sự trong vũ trụ này.
Hài nhi bé bỏng đấy, nhưng đó lại là Vua trời đất; hai con người sa cơ thất thế, Maria và Giuse đấy, nhưng lại là hai vị thánh cao cả nhất trong Giáo hội; những người mục đồng nghèo khổ đấy, nhưng lại là những người diễm phúc hơn bao nhiêu vua chúa quan quyền; những con vật tầm thường nhất, giờ đây lại mang hơi thở sưởi ấm cho Hài Nhi, hang đá tầm thường và máng cỏ hôi hám lại trở thành “ngai vàng” của Đấng Cứu Thế. Có một hoà điệu kỳ diệu trong tất cả mọi yếu tố làm nên bầu khí Giáng Sinh.
Phải chăng bầu khí “độc nhất vô nhị” của lễ Giáng Sinh là do tính chất “lung linh” ấy; vừa rất đời thường vừa rất linh thiêng; vừa rất mộc mạc lại vừa rất cao quí; vừa rất trần tục và rất thánh thiêng ? Phải chăng ánh đèn nhấp nháy của lễ Giáng sinh, không sáng loà mà cũng không tối tăm, là một biểu hiệu rõ nét nhất tính cách lung linh của lễ Giáng Sinh ?
Anh chị em thân mến,
Kinh nghiệm gia đình góp một phần quan trọng trong hành trình tìm ơn cứu độ và trong thái độ sẵn sàng mở rộng cho ơn cứu độ; bởi vì ơn cứu độ Kitô giáo thiết yếu là gặp gỡ “AI” (đạo cứu độ) chứ không phải “sống như thế nào” (luân lý thuần tuý). Gia đình là một “cộng đồng” ngôi vị, nơi đó mỗi người đóng góp chính cái tôi của mình … Với gia đình, con người hiểu được nét trọng tâm của tình yêu là sự thuộc-về nhau, là sự trao tặng bản thân mình và lãnh nhận chính bản thân của ai khác, chứ không phải sự đánh giá cao thấp về sắc đẹp, về tài năng hay đức độ.
Có phải không lòng mỗi con người khao khát một sự thuộc về nhau mà ở thế gian này chỉ có nơi đời sống gia đình ? Có phải không, cội nguồn của đời sống con người khởi đi từ đời sống gia đình, nên con người luôn muốn tìm về một đời sống gia đình trọn vẹn ?
Chính trong nỗi khát khao căn bản ấy, chúng ta hiểu được đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kitô giáo  là một Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa trong tương quan ngôi vị như một gia đình. Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa là ban cho con người một Đấng Mêsia trong “dòng dõi người nữ” (St 3,15); và Đấng Mêsia đến trần gian trong một gia đình. Ơn cứu độ dành cho con người là được trở nên nghĩa tử trong “Gia Đình Thiên Chúa” …
Quả thật, Chúa cũng có một gia đình, và mỗi con người được thông chia hồng phúc sống trong gia đình, cũng đã được thông chia phần nào sự sống của Chúa. Chính trong đời sống gia đình, trong những gì đời thường và tầm thường nhất của cuộc sống, đã lấp lánh hình ảnh Thiên Chúa cao cả, vì gia đình đã là một cộng đồng ngôi vị phản ảnh chính cộng đồng Ngôi vị Ba Ngôi của Thiên Chúa :
“…tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất”. (Ep 3,15)
Do đó, đời sống đức tin chân chính không phải là chạy trốn trần gian, không phải là khinh chê đời thường, không phải là một thứ “cuồng tôn giáo” luôn mơ màng trong thế giới giả…nhưng là nhận ra được sự hiện diện lung linh của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày, đặt biệt trong đời sống gia đình; để rồi chọn thái độ trân trọng hồng phúc được làm người, thiết tha xây dựng cuộc sống trần thế, gieo tình yêu có mầu sắc gia đình cho cuộc sống nhân gian…
Nhân dịp lễ Giáng Sinh 2013, kính chúc toàn thể anh chị em trong Huynh Đoàn nhận ra được sự hiện diện lung linh của Chúa ngay trong gia đình của mình. 
BBT.W.OPVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét