Đại hội Sứ vụ là sinh hoạt thường niên của Hội Dòng, mỗi năm một lần, chị em quây quần bên nhau vào ngày thứ Bảy gần nhất với lễ thánh Phanxicô Xavie – Bổn mạng của Ủy ban Sứ vụ, để tham dự ngày Đại hội Sứ vụ của Hội Dòng. Năm nay, đại hội được tổ chức vào ngày 07.12.2013, cũng là ngày áp lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, nên song song với việc tham dự Đại hội, chị em từ các cộng đoàn cũng về Nhà Mẹ để cùng chung lời chúc mừng Bổn mạng của người đang cầm lái con thuyền của Hội Dòng : Bề trên Tổng quyền Maria Nguyễn Thị Hùy.
Đại hội bắt đầu lúc 8g30’với hai MC Maria Nguyễn Thị Thanh và Têrêsa Vũ Thị Quỳnh Phương, là hai nữ tu sinh viên thực tập Sứ vụ năm đầu tiên. Thành phần tham dự ngoài thành viên trong Hội dòng còn có sự góp mặt của ca đoàn Thiên Thần của Giáo xứ Tân Mai do quý chị em Tu xá Mẹ Thiên Chúa phụ trách.
Sau khi xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa, chị trưởng ban Truyền giáo và Bác ái xã hội Anna Lê Thị Lệ Thủy tuyên bố lý do và khai mạc ngày Đại hội. Tiếp đến, các em Thiếu nhi trong ca đoàn Thiên Thần đồng diễn ca khúc Lên Đường, tạo bầu khí phấn khởi, hân hoan cho khán giả tham dự Đại hội. Đang trong bầu khí rộn rã ấy, phần chính của ngày Đại hội được bắt đầu, đó là những câu chuyện kể của các chị em đang phục vụ tại các vùng truyền giáo, những vùng sâu và xa cả về địa lý lẫn tinh thần. Chị em trong Hội dòng, tuy kẻ ở thành phố, người phục vụ tại thôn quê, nhưng trong tình hiệp thông và tương trợ, dù ở đâu hay làm gì, chị em vẫn cùng nhau thi hành sứ vụ tông đồ. Hạnh phúc và khó khăn của chị em tại mỗi cộng đoàn cũng là hạnh phúc và khó khăn chung của toàn Hội dòng. Kể cho nhau nghe những câu chuyện sứ vụ riêng của cộng đoàn để chị em toàn Dòng biết, cảm thông và thấu hiểu hầu cho sự hiệp thông tương trợ được sâu sát và thực tế hơn. Vì thời gian có hạn nên năm nay đại hội ưu tiên cho những câu chuyện kể của các chị em thuộc miền sông nước, miền Biên giới và miền Cao nguyên.
Khởi đầu là câu chuyện Truyền giáo của chị em đang phục vụ tại Tu Xá Lòng Thương Xót Chúa thuộc thị trấn Giồng Riềng, Kiên Giang. Là vùng đồng bằng thấp, với các kênh rạch chằng chịt, người dân sống dọc hai bờ kênh, chủ yếu làm nghề nông như bao người dân đồng bằng sông Cửu Long khác, nhưng nguồn nước thường chua và mặn, thực vật không tốt tươi, nền nông nghiệp thu nhập kém. Hơn nữa, nhiều người dân không có ruộng để canh tác, mà chỉ đi làm thuê mướn, ngày có việc ngày không, cuộc sống bấp bênh, nhiều nhà chật hẹp, không đủ che mưa nắng, trẻ em không có điều kiện đến trường, người già, bệnh tật không được chăm sóc thuốc men. Nhiều khu nhà ở không có đường đi mà chỉ đi theo đường mòn lầy lội, hoặc nhờ bờ ruộng, còn nhiều con kênh chỉ có cầu khỉ để qua lại. Nói chung là điều kiện sinh sống của người dân nơi đây quá khó khăn và khắc nghiệt.
Đây là một vùng hoang liêu, có quá ít công trình phúc lợi được đầu tư, bước chân tiến vào ánh sáng văn minh rất chậm, người dân quá nghèo, nghèo cả tinh thần đến vật chất. Tại thị trấn Giồng Riềng vào trước năm 1975 có một nhà thờ quân đội nhỏ, với khoảng 70 gia đình công giáo, sau năm 1975 vì chiến tranh; nhà thờ không còn nữa. Cũng từ đó không có Linh mục hoặc Tu sĩ hướng dẫn. Sau biến cố này nhiều giáo dân đã chuyển đi nơi khác vì sinh kế, đến nay họ lơ là, hoặc đã bỏ đạo!
Trước hiện trạng đó của người dân, các nữ tu Đa Minh Tam Hiệp đã đến, hiện diện và hòa chung cuộc sống với anh chị em để đem tình yêu thương và Lòng Thương Xót Chúa đến cho những người bất hạnh. Với ba năm hiện hiện, chị em làm các công việc như : Đi thăm anh chị em ngoại giáo và người nghèo, dạy Giáo lý tân tòng và hôn nhân, gỡ rối, giúp đỡ gạo, tiền, mì tôm cùng các nhu yếu phẩm, thường xuyên có sẵn gạo để ai cần là có thể đáp ứng, làm nhà tình thương và xây cầu cho người nghèo; đồng thời thi hành công tác mục vụ tại giáo họ Ngọc Chúc.
Ngoài ra, tại Tu xá Lòng Thương Xót Chúa còn có phòng thuốc Y học Cổ truyền để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, và 2 lớp tình thương với hơn 80 học sinh. Hiện tại cộng đoàn đang xây một cây cầu ngang sông có bề ngang 2m, bề dài 50m, dự định sẽ hoàn tất vào mùa nắng khô tới. Vấn đề mà chị em trong cộng đoàn đang lo lắng là nguồn nước ô nhiễm mà người dân đang sử dụng. Làm sao để có được một số giếng khoan cho dân đỡ phải dùng nước sông hay nước ruộng, là nước đã bị ô nhiễm thuốc trừ sâu đang sử dụng rộng rãi trên toàn vùng.
Có sự hiện diện của chị em và qua sự cộng tác của các cha, sự nỗ lực cầu nguyện của nhiều người, những cuộc đi thăm viếng, dạy giáo lý và nhắc nhở, từ con số 3 giáo dân ban đầu đến tham dự Thánh Lễ đến nay đã được trên 600. Số giáo dân đi lễ còn hạn chế vì nhiều lý do trong đó có một lý do có thể giải quyết được nếu có sự hỗ trợ của ân nhân: giáo dân sống quá xa nhà thờ mà không có phương tiện đi lại, tuy chị em đã hỗ trợ một số xe đạp, nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Tuy Chúa đã quảng đại ban cho chị em đang phục vụ tại Tu xá Lòng Thương Xót Chúa những thành quả nhất định để khích lệ chị em dấn thân hơn trong môi tường truyền giáo đặc biệt này, dầu vậy, những gì đã làm được cũng chưa thấm là bao trước nhu cầu to lớn thực tế của địa phương. Nếu được sự hỗ trợ tốt hơn của quý ân nhân, vòng tay nhân ái của cộng đoàn sẽ được nới rộng đến nhiều người hơn. Sẽ có nhiều người nghèo khổ cảm thấy được đụng chạm tới Lòng Thương Xót của Chúa khi được quan tâm, được chia sẻ, được cởi mở cõi lòng và nhất là tìm thấy được người đồng hành cùng họ trên con đường cực nhọc vượt qua số phận khắc nghiệt.
Tiếp đến là câu chuyện của hai Tu xá Thánh Têrêxa và Anrê Kim Thông thuộc miền Cao nguyên. Là hai Tu xá giúp xứ, giúp người nghèo và anh chị em dân tộc, chị em cũng cố gắng hết sức vượt qua những khó khăn của công tác Truyền giáo nơi miền Thượng: nhân sự dành cho việc Truyền giáo không đủ, địa thế xa xôi, các em học sinh người Dân tộc không hiếu học và không thích đi vào kỷ luật, trạm xá không đủ thuốc để cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của bệnh nhân nghèo trong vùng… Tuy nhiên, xác tín công việc Truyền giáo là của Chúa, chị em vẫn khuyến khích nhau làm hết khả năng và cố gắng bao nhiêu có thể đem tình yêu thương của Chúa đến cho nhiều người, nhất là những con người đang như những chiên bơ vơ, lạc xa đàn.
Câu chuyện truyền giáo cuối cùng là của các chị em Tu xá thánh Maria Madalêna, thuộc miền biên giới Tây Ninh. Chị em đã hiện diện nơi đây được 1 năm, vẫn đang trong giai đoạn “chân ướt chân ráo”. Từng ngày, chị em thi hành 3 công tác chính: truyền giáo, mục vụ giáo xứ và giáo dục. Hoàn cảnh của người dân tại đây cũng nhiều thách đố như những vùng truyền giáo khác: Đa số bà con giáo dân là người Việt sống ở Campuchia, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã hồi hương về nước; một số bà con từ miền Bắc và miền Trung đến định cư lập nghiệp. Họ sinh sống trên một địa bàn mênh mông hoang sơ giữa rừng, đầm, sông suối. Đường xá đi lại rất khó khăn: nắng thì gió bụi, mưa thì trơn trượt, ngập úng, …
Phần lớn các gia đình sống ở vùng biên giới đều nghèo và thất học. Nhà ở thì tạm bợ. Nghề nghiệp chính của bà con là trồng lúa, trồng mì (với diện tích ít ỏi) và làm mướn. Đa số người trẻ ít chữ hoặc học mới chỉ biết đọc biết viết nên rất khó khăn trong việc định hướng tương lai. Riêng với các cháu Mẫu giáo, đa phần là con của những gia đình ly tán, mẹ không nuôi nổi con phải để ông bà nuôi, nên tâm lý một số cháu cũng hơi bất bình thường do thiếu tình thương của cha mẹ.
Nhờ việc truyền giáo tích cực của các cha và các thầy Dòng Đa Minh, số lượng giáo dân tại giáo xứ chị em đang phục vụ ngày càng tăng; mỗi năm tăng khoảng từ 25 đến 35 người (có năm hơn 40 người) do việc truyền giáo chứ không phải vì lý do kết hôn.
Việc thi hành sứ vụ của chị em đang trong giai đoạn định hình nên chắc chắn có những vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực của người được sai đi truyền giáo tại vùng đất tràn đầy nắng gió này. Tuy nhiên, sự hỗ trợ rất đắc lực và chân tình của quý cha, quý thầy Dòng Đa Minh cũng như tâm tình thân thương, chân tình, dễ gần gũi của người dân miền quê; sự trở lại tham dự Thánh lễ của một số anh chị em sau khi nghe lời khuyên của các Dì … đã là một động lực cho chị em tiếp tục cố gắng để Chúa được biết đến dầu cho hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện.
Những câu chuyện Truyền giáo đã khép lại để chị Đặc trách Sứ vụ của Hội dòng định hướng Sứ vụ cho niên khóa 2014 – 2015. Những định hướng này được khởi đi từ những câu chuyện truyền giáo thực tế của các chị em tại các vùng Truyền giáo cũng như của các chị em đang thực hiện những mảng sứ vụ khác của Hội dòng. Hướng đi trong năm thứ ba của nhiệm kỳ 2011 -2015 của Hội dòng cũng nằm trong hướng đi chung của Hội thánh Việt Nam. Theo đó, năm nay Hội dòng sống tinh thần Tân-Phúc-Âm-Hóa theo định hướng cho năm 2013 của Tổng hội Tam Hiệp XIII : “Chứng nhân của Lời trong việc Truyền Giáo”. Theo thư chung của HĐGMVN năm 2013 thì Tân-Phúc-Âm-Hóa không phải là rao giảng một phúc âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta và Đức Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự đổi thay nhanh chóng của xã hội về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và diễn tả cách phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp của Phúc Âm.
Cụ thể, theo sự hướng dẫn của Thư chung Hội đồng Hội dòng mở rộng (HĐHDMR) năm 2013, các cộng đoàn sẽ cùng nhau “Truyền giáo qua việc thăm viếng” với những phương pháp, chương trình và những kiểm thảo cụ thể về “lòng nhiệt thành, phương pháp và cách diễn tả” dựa trên yêu cầu của Thư chung hầu cho công việc đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thêm vào đó, để cùng nhịp bước với Hội thánh Việt Nam sống năm 2014: “Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình”, mỗi chị em cũng có bổn phận không những chỉ Phúc âm hóa cộng đoàn mình, nhưng là tu sĩ Dòng Đa Minh, chúng ta còn có bổn phận giúp cho anh chị em mình nghe được tiếng nói của Hội thánh, tiếng nói của Chúa Giêsu. Được Hội dòng sai đến miền Sứ vụ nào, chúng ta sẽ nở hoa ở đó cùng với anh chị em mình. Để anh chị em nghe được tiếng nói của Hội thánh và thực hiện được, thì chính chúng ta phải là “cái loa” chuyển tải thông điệp Cứu độ của Đức Kitô đến gia đình của anh chị em. Cái loa ấy phải là cái loa xịn để anh chị em có thể nghe rõ. Nhất định chúng ta không thể là cái loa bất động hay rỉ sét mà phải là cái loa luôn phóng thanh, nghĩa là chúng ta phải mặc lấy tâm tình của Đức Maria: Vội vã lên đường với tình yêu và lòng thương cảm. Vội vã lên đường không so đo tính toán, không đòi hỏi lợi nhuận hay nhu cầu mà chỉ nhắm đến một mục tiêu: “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.
Như thế, năm nay, mỗi chị em, mỗi cộng đoàn tham gia tích cực vào việc thăm viếng các gia đình bất kể lương giáo, gần xa. Hơn nữa, chị em đặc biệt lưu tâm đến những gia đình chị em gần cộng đoàn của mình đang gặp khó khăn dưới nhiều hình thức, nhất là các gia đình đang tan vỡ vì “tai nạn hôn nhân”.
Để giúp chị em có thêm hứng khởi với việc truyền giáo, ngoài tập san Ra Khơi với chủ đề Lời Hiện Diện, Ủy ban Sứ vụ còn trao tặng mỗi cộng đoàn một cuốn hồi ký Dân Làng Hồ do Giáo phận Kontum xuất bản, kể về hành trình truyền giáo đầy đau khổ nhưng cũng thật hào hùng và tuyệt đẹp của các Nhà Thừa Sai tại miền Cao Nguyên
Sau phần định hướng sứ vụ, chương trình Đại hội bước sang phần thứ 2 là phần chúc mừng lễ Bổn Mạng của Bề trên Tổng quyền. Chị Maria Phạm Thị Quế, Bề trên Tu viện Trung Ương, đại diện chị em toàn Dòng chúc mừng Bề trên Tổng quyền nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Trong dịp này, các em trong ca đoàn Thiên Thần cũng góp lời chúc mừng bằng một vũ khúc rất dễ thương. Đáp lời, chị BTTQ cám ơn chị em và ban những lời khích lệ, đặc biệt trong ngày Đại hội Sứ vụ, chị khuyến khích chị em nhiệt tâm hơn trong khi thi hành sứ vụ, và để cho ngọn lửa nhiệt thành của chị em luôn cháy sáng, chị em cần nối nguồn thường xuyên với Đức Kitô trong việc trung thành với các giờ cầu nguyện, các cử hành phụng vụ của cộng đoàn. Chị khuyến khích chị em sống và thi hành Thư chung của HĐGMVN và thư chung của HĐHDMR năm 2013 vì trong hai lá thư đó có những yếu tố cần và đủ giúp chị em sống đẹp đời thánh hiến và thi hành tốt sứ vụ được trao.
Ngày Đại hội kết thúc với giờ Chầu Thánh Thể và Kinh trưa tại nguyện đường để cầu bình an và xin Chúa chúc phúc lành cho Sứ vụ của Hội dòng và của từng chị em. Sau đó chị em chia sẻ niềm vui và tình hiệp thông tỷ – muội trong bữa Agapê do chị Tổng quản lý khoản đãi mừng chị em về tham dự đại hội và chia sẻ niềm vui mừng lễ Bổn Mạng với chị Bề trên Tổng quyền, Tu viện Mẹ Vô Nhiễm và các chị em mang thánh hiệu Maria Vô Nhiễm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét